Sau 15 phiên bán ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giải ngân mạnh vào các mã đầu ngành. Nhóm này đã mua 2.200 tỷ đồng, trong khi bán ra chưa đến 2.000 tỷ đồng.
TCB đang hút mạnh nhất dòng tiền nước ngoài khi khối lượng mua ròng hơn 6 triệu cổ phiếu. Mã này từ giá sàn 22.300 đồng đã chuyển thành tăng 0,4%, lên 24.000 đồng chỉ trong ít phút.
SHB xếp tiếp theo trong danh sách hút ròng với gần 2 triệu cổ phiếu, sau đó đến HPG, FPT và TPB.
10h15 Sắc xanh chóng vánhSau 3 phiên giảm sâu liên tục, VN-Index vừa tìm lại sắc xanh khi dòng tiền ồ ạt đổ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, chỉ số duy trì trạng thái này trong vòng chưa đầy 5 phút.
Áp lực bán mạnh để hạ tỷ trọng cổ phiếu ngay lập tức xuất hiện, đưa VN-Index về lại sắc đỏ. Chỉ số hiện mất 15 điểm, giao dịch ở 1.117 điểm.
Thị trường đang có hơn 310 cổ phiếu giảm, trong đó 76 mã mất hết biên độ. Hai cổ phiếu vốn hóa lớn của ngành bất động sản khu công nghiệp là BCM và GVR tiếp tục chạm sàn, kìm đà tăng của thị trường.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu họ Vingroup đang là trụ đỡ chính khi đồng loạt tăng mạnh. VIC tăng 4,4% lên 57.500 đồng, còn VHM và VRE lần lượt tăng 2,1% và 2,3%.
10h05 Chuyên gia SSI: 'Tin xấu có thể lại là cơ hội tốt'Trong báo cáo chiến lược mới công bố, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SSI thống kê 10 năm qua, VN-Index đã điều chỉnh hơn 4% trong 24 lần. Dù thị trường có thể còn điều chỉnh trong ngắn hạn, tỷ lệ hồi phục sau giai đoạn 1-3 tháng và 12 tháng tương đối cao ở mức 70% và 75%. Tỷ suất sinh lời trung bình sau 12 tháng là 16%,
VN-Index hiện giao dịch ở mức P/E hỗn hợp (trung bình của P/E 4 quý gần nhất và P/E ước tính 1 năm) là 11,6 lần, thấp hơn 25% so với mức trung bình từ năm 2016 đến nay là 15,5 lần. Định giá thị trường cũng đang thấp hơn so với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2018-2019.
Chuyên gia SSI cho rằng dù không thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, những lợi ích dài hạn cho Việt Nam sẽ đến từ mô hình tăng trưởng kinh tế cân bằng do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại và đây vẫn là kịch bản cơ sở.
"Do đó, tin xấu thực tế có thể trở thành cơ hội tốt cho nhà đầu tư, đặc biệt là cơ hội ở các ngành phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng, điện và các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng trong nước như vật liệu xây dựng", chuyên gia SSI viết.
Chia sẻ trên trang cá nhân sáng 9/4, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI - cũng cho rằng thuế quan tác động tiêu cực "nhưng không có lý do gì thị trường phản ứng như tận thế".
10h00 Cổ phiếu ngân hàng đảo chiều nhanhTừ giảm đồng loạt, cổ phiếu ngân hàng chuyển sang trạng thái phân hóa mạnh khi lực cầu ở vùng giá thấp tìm đến những mã có mức chiết khấu cao.
TPB từ giá sàn 11.100 đồng tăng lên 12.200 đồng, cao hơn tham chiếu 2,5% và đứng đầu về biên độ tăng giá phân theo ngành. Tương tự, TCB, SHB, VPB, OCB... cũng tích lũy thêm 0,5-2% dù cách đây 15 phút còn giảm trên 4%.
Tuy nhiên, một số mã ngân hàng khác vẫn chịu áp lực bán mạnh. EIB của Eximbank đang mất 5,4%, giao dịch ở 15.850 đồng. HDB giảm 2,6%, còn VIB mất 1,3%.
Con gái Bầu Đức đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu HAGBà Đoàn Hoàng Anh, con gái ông Đoàn Nguyên Đức vừa đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu HAG theo hình thức khớp lệnh trên sàn.
9h45 Lực cầu xuất hiệnSau 30 phút đầu chạm sàn, nhiều cổ phiếu đồng loạt thu hẹp biên độ giảm, thậm chí đảo chiều sang tăng giá nhờ lực cầu giải ngân ở vùng giá thấp. Điển hình như FPT đang từ mức sàn 97.800 đồng chuyển sang tăng 1,6% lên 106.800 đồng, còn TCB từ giá sàn nhích lên tham chiếu 23.950 đồng.
Bên bán vẫn chiếm ưu thế, nhưng độ rộng thị trường phát ra tín hiệu dần cân bằng. Số lượng cổ phiếu giảm chỉ còn 350 mã, trong khi cổ phiếu tăng xấp xỉ 100 mã. Rổ vốn hóa lớn cũng có 5 cổ phiếu tăng điểm gồm FPT, VIC, SAB, VRE, TPB.
Lực mua mạnh đẩy thanh khoản tăng vọt trong ít phút. Thị trường đã có gần 500 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng 9.300 tỷ đồng. Hơn phân nửa trong số này đến từ rổ vốn hóa lớn.
HPG từ vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng thanh khoản đã lên dẫn đầu. Chỉ trong 15 phút, giá trị giao dịch HPG tăng hơn 400 tỷ đồng, lên tổng cộng 600 tỷ đồng. SSI và FPT xếp tiếp theo với giá trị khớp lệnh lần lượt 575 tỷ đồng và 580 tỷ đồng.
9h30 Cổ phiếu Hòa Phát bị bán quyết liệtHPG của Tập đoàn Hòa Phát hiện giảm hết biên độ xuống 21.300 đồng và đẫn đầu sàn TP HCM về khối lượng dư bán ở giá sàn với hơn 15 triệu cổ phiếu. Đây là phiên thứ tư liên tiếp cổ phiếu này xuất hiện tình trạng không có bên mua.
Chỉ trong nửa tiếng, thanh khoản HPG đã lên 200 tỷ đồng, tương ứng gần 10 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công.
Cuối ngày 8/4, lãnh đạo Hòa Phát thông báo thay đổi phương án trả cổ tức năm 2024 do cần đảm bảo nguồn tiền mặt trong bối cảnh biến động thị trường quốc tế phức tạp, như chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của Tổng thống Mỹ. Cụ thể, họ giữ tổng tỷ lệ cổ tức 20%, nhưng tất cả được trả bằng cổ phiếu thay vì 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu như trước.
9h15 Áp lực bán mạnhNgay trong phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), VN-Index đã lao dốc mạnh bởi lo ngại của nhà đầu tư trong nước về áp lực giải chấp ký quỹ. Chỉ số khi đó mất hơn 70 điểm, xuyên thủng nhiều ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng để về sát 1.060 điểm.
Sau 15 phút, thị trường chính thức bước vào phiên khớp lệnh liên tục với mức giảm 55 điểm. Chỉ số hiện giao dịch quanh 1.078 điểm khi có hơn 300 cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu, trong đó gần 170 mã chạm sàn.
Nhóm chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS dự đoán hôm nay "bão táp chưa tan" bởi thị trường đang chịu áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ. Tuy nhiên, họ kỳ vọng khi chỉ số đi vào vùng 1.020-1.080 điểm, tức vùng giá sáng nay, lực cầu có thể xuất hiện và mạnh dần lên để giúp thị trường cân bằng trở lại.
9h10 Chứng khoán thế giới giảm mạnhThị trường chứng khoán Mỹ đầu phiên hôm qua tăng hơn 3% nhờ tín hiệu nước này sẵn sàng đàm phán thuế nhập khẩu với các đối tác thương mại. Tuy nhiên, thị trường sau đó đảo chiều khi có thông tin Tổng thống Donald Trump dự tính thuế nhập khẩu với gần 70 đối tác thương mại vẫn tăng lên từ ngày 9/4, theo đúng kế hoạch. Chốt phiên giao dịch 8/4, chỉ số DJIA giảm 0,84%. S&P 500 mất 1,57% và Nasdaq Composite giảm 2,15%.
Sáng nay, chỉ số đại diện cho các thị trường chứng khoán châu Á cũng diễn biến kém khả quan.
Shanghai Composite mất 1,23%, còn Hang Seng Index (Hong Kong) mất 2,26% sau thông tin Mỹ tăng thuế thêm 50% với hàng hóa nhập từ Trung Quốc đúng như lời đe dọa trước đó của Tổng thống Trump.
Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản cũng giảm 2,63%, còn Kospi của Hàn Quốc giảm 0,53%.
Có 3 nội dung mới cập nhật