Việc học sinh học hai buổi ở trường đang trở thành một thực tế phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Với không ít phụ huynh thành phố, điều này là một giải pháp hợp lý: con cái được ở lại trường cả ngày, học tập, ăn uống, sinh hoạt trong một môi trường có người quản lý, giúp cha mẹ yên tâm làm việc.
Tuy nhiên, khi nhìn từ góc nhìn của những người ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, theo tôi câu chuyện lại không đơn giản như vậy.
Chị tôi, một người bán tạp hóa ở quê, có đứa con đang học tiểu học. Nhà cách trường 7 cây số. Ngày nào chị cũng phải "chạy sô" bốn lượt để đưa đón con học hai buổi: sáng đưa, trưa rước về ăn cơm, chiều lại đưa đi, rồi chiều muộn lại rước về.
Công việc buôn bán phải ngắt quãng, bữa cơm qua loa. Ở quê, những hình ảnh như vậy không hiếm. Có khi, người đưa đón không phải cha mẹ, mà là ông bà tranh thủ hết công ăn chuyện làm để kịp giờ đón cháu tan học.
Khoảng 11h20, trước cổng trường cấp một, cấp hai quê tôi đông xe của phụ huynh đứng chờ con cháu tan học.
Việc tổ chức học hai buổi với kỳ vọng là một chủ trương tốt. Nhưng việc áp dụng đại trà, không linh hoạt theo điều kiện từng vùng miền theo tôi dễ dẫn tới bất cập. Ở thành phố, trường lớp thường được đầu tư đầy đủ, có bán trú, có bữa ăn trưa, thậm chí có dịch vụ đưa đón tận nơi...
Bản thân tôi từng là học sinh học một buổi. Đại học, đi làm, không ai cảm thấy bị "thua thiệt" chỉ vì học ít tiết hơn.
Học sinh cần được học đủ, nhưng cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, vận động, giúp đỡ cha mẹ. Việc đưa rước con đi học, vốn dĩ là một chuyện thường nhật, nay lại trở thành nỗi lo, là điều không nên tồn tại trong một nền giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.
Mô hình giáo dục không nên là "một cỡ cho tất cả", mà phải có sự linh hoạt để phù hợp với từng địa phương, từng hoàn cảnh. Học hai buổi có thể tốt, nhưng chỉ tốt khi có điều kiện để học sinh được ở lại trường an toàn, ăn uống đầy đủ, được nghỉ ngơi đúng cách.
Tôi không phủ nhận lợi ích của việc học hai buổi nếu được tổ chức hợp lý, có bán trú, có giáo viên chuyên trách buổi chiều, có chỗ nghỉ trưa sạch sẽ, an toàn. Nhưng nếu chỉ là chia đôi tiết học ra hai buổi, trong khi phụ huynh phải tất tả bốn lượt đưa đón, thì đó không phải là nâng cao chất lượng giáo dục.
Nguyễn Phúc